Đô thị vệ tinh của Hà Nội - những hình hài bất động

Một thập kỷ sau khi được quy hoạch, nhiều “đô thị vệ tinh” của Hà Nội vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ.

Chị Tâm kinh doanh cửa hiệu tạp hóa trước cổng chợ Trung Sơn Trầm hơn bảy năm nay. Một ngày của chị, cũng như của nhiều hộ sinh sống dọc đoạn quốc lộ này, bắt đầu bằng việc diệt giặc bụi.
Nhà nào không buôn bán sẽ đóng tất cả các loại cửa sổ, cửa ra vào suốt ngày. Những hộ kinh doanh lớn sẽ đầu tư mạnh tay một vòi phun nước tưới ướt khoảng đường trước cửa.
Chị Tâm không có tiền để phun nước tưới đường. Cách chị chọn là trùm kín tất cả những mặt hàng nào có thể lấy túi nylon để trùm lên được: cặp sách, thú bông, hoa giấy, tập vở...
Thứ chị bán chạy nhất là khẩu trang. Đi qua đoạn phố này, ai cũng cần.
Tháng 10/2010, dự án cải tạo nâng cấp tuyến phố Tùng Thiện nằm trên quốc lộ 21A, Trung Sơn Trầm được phê duyệt, do Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 246 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013.
Không lâu sau, Trung Sơn Trầm trở thành một nơi bụi mù quanh năm. Những đoàn xe kéo qua đoạn quốc lộ dang dở tạo ra một đám mây trắng đậm đặc của bụi phủ vây khu dân cư. Và khung cảnh giữ nguyên cho đến năm 2018, tròn một thập niên kể từ khi Sơn Tây "về thủ đô".
Khung cảnh quốc lộ 21A đoạn vào thị xã Sơn Tây
Ngày 7 tháng 4 năm 2011, tai nạn giao thông, hai thanh niên tử vong tại chỗ.
Ngày 6 tháng 1 năm 2016, tai nạn giao thông, 3 người tử vong tại chỗ.
Ngày 30 tháng 7 năm 2016, tai nạn giao thông, một phụ nữ tử vong tại chỗ.
Đó là một vài thống kê về cùng một đoạn đường, loại thông tin hiếm hoi làm cho địa phương này hay được truyền thông nhắc đến.
Bốn xe ôtô trọng tải lớn, hơn ba mươi lượt phương tiện qua lại mỗi phút. Hơn 900 học sinh qua lại đoạn đường này hàng ngày.  Thông tin đáng chú ý còn lại về con đường là chuyện ông bảo vệ dân phố với “nghiệp dắt trẻ qua đường” hai lần mỗi ngày. Sự nghiệp của người đàn ông này cũng bắt đầu từ chính năm con đường được khởi công.
“Hôm nào cũng vài đứa học sinh trượt bánh xe đạp ngã ở đây”, chị Tâm chỉ vào đoạn đường trước cửa nhà, ngổn ngang những viên đá lớn làm đường, một miệng hố chưa lấp.
Nắng thì bụi, còn một cơn mưa nhỏ cũng đủ để biến đoạn dân cư ấy thành vũng thành chuôm. Những đoạn cống thoát nước lắp đặt dang dở của con đường dang dở không giúp chị tránh được dòng nước tràn vào nhà.
Đó là hình ảnh con đường huyết mạch nối liền hai "đô thị vệ tinh" Hòa Lạc và Sơn Tây - những nơi mà theo quy hoạch, sẽ là mũi nhọn của việc phát triển thủ đô sau mở rộng.
Đô thị vệ tinh (satellite town) là khái niệm được học giả Mỹ Graham Romeyn Taylor đưa ra lần đầu năm 1915 để chỉ việc di dời các nhà máy ra ngoại thành nhằm giảm thiểu áp lực dân cư vào một thành phố lớn.
Sau thành công của Mỹ, Liên Xô, Anh và nhiều nước châu Âu nửa đầu thế kỷ 20, phong trào xây đô thị vệ tinh ở bắt đầu lan sang châu Á.
Nhật Bản là một trong những nước tiên phong. Năm 1956, quốc gia này rót hàng trăm tỷ đôla vào việc gây dựng 8 đô thị vệ tinh quanh Tokyo. Người Nhật chỉ mất 6 năm để nhận ra đại kế hoạch này không hiệu quả. Họ tập trung đầu tư cho tái cấu trúc thủ đô, phương án đạt nhiều thành công và ít tốn tiền hơn.
Hàn Quốc kiên trì hơn với 3 lần nỗ lực đeo đuổi kế hoạch chỉ trong vòng 13 năm. Từ 1960 đến 1973, họ cho xây dựng 12 đô thị vệ tinh quanh Seoul. Sức ép dân số vào Seoul không hề giảm. Từ một thành phố đông dân thứ 33 trên thế giới với 2,4 triệu người năm 1960, Seoul ngày nay đứng thứ 4 thế giới với 23 triệu dân.
Hàn Quốc đã có lúc phải tính tới chuyện dời thủ đô ra khỏi Seoul để tránh áp lực dân số.
Quy hoạch các đô thị bao quanh Hà Nội.
Năm 2008, Việt Nam nhập cuộc. Sau mở rộng địa giới, các nhà quy hoạch Hà Nội gọi tên năm đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Với chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, chúng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về mọi mặt.
Nhưng Việt Nam đang mất nhiều thời gian hơn người Nhật để xác định mức độ hiệu quả của đại công cuộc này.
Trung tâm Sơn Tây, mười giờ sáng, một anh thanh niên dìu tay người phụ nữ lớn tuổi lên những bậc cầu thang của chợ Nghệ để tìm mua một bộ áo nâu đi lễ chùa.
Người phụ nữ đến đây mua đồ chỉ vì mối quen biết nhiều năm với người bán hàng. Anh thanh niên không thích mua quần áo ở những nơi không gương, không phòng thử, không ánh sáng, không điều hòa, xung quanh đủ loại mùi. Anh không bao giờ mua đồ chợ Nghệ.
Hai bà cháu họ là những người đầu tiên bước vào ki ốt 494 của bà Hiền từ ba ngày nay. Thời điểm đó, họ là hai trong vỏn vẹn năm khách hàng của khu chợ đầu mối được gọi là “hiện đại nhất phía Tây thủ đô”.

Comments